Hướng dẫn chọn kính

Hãy mang kính râm kể cả trong những ngày "mùa đông không lạnh"

Đăng bởi Hòa Trần - Blogger vào lúc 31/10/2021

Chúng ta đều biết trong ánh nắng Mặt trời có nhiều tia cực tím (UV) có thể gây cháy nắng hay ung thư da. Đó cũng chính là lý do mà các thành phố sản sinh ra một đội quân với lực lượng vô cùng đông đảo: Đội quân các chị em ninja lead, trùm kín mít từ đầu đến chân mỗi khi đi ra đường.


Tuy nhiên, phục trang ninja của các mẹ hóa ra vẫn còn thiếu một phụ kiện cực kỳ quan trọng. Đó chính là chiếc kính râm.


Đừng coi thường! Việc không đeo kính râm, kể cả trong những ngày "mùa đông không lạnh" của miền Bắc, có thể khiến đôi mắt của bạn gặp phải một số tác hại không ngờ.


Hãy mang kính râm kể cả trong những ngày mùa đông không lạnh, nếu không muốn phải trả giá - Ảnh 1.


Tác hại tức thời

Ra nắng mà không bảo vệ mắt, thông thường bạn sẽ chẳng cảm thấy gì khác biệt cả. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mắt của bạn có thể sẽ gặp phải một tình trạng gọi là viêm giác mạc do tiếp xúc ngắn với bức xạ cực tím.


Nguyên nhân của bệnh này là tia UV làm chết những tế bào ngoài cùng của lớp giác mạc. Lúc đó, bạn phải chịu những cơn đau kinh khủng ở cả hai mắt. Thường thì các triệu chứng sẽ xuất hiện nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, hoặc liên tục trong 6 - 12h.


Bạn có thể phải chịu những cơn đau kinh khủng ở cả hai mắt


Để điều trị dứt điểm tình trạng này, bạn cần phải uống thuốc giảm đau và sử dụng kháng sinh cho mắt dạng thuốc mỡ (để ngăn việc nhiễm trùng tại vùng giác mạc bị tổn thương). Và bạn cần phải kiên nhẫn chờ đến khi các tế bào giác mạc tái sinh.


Và những tác hại khủng khiếp lâu dài

Việc tiếp xúc với tia UV mà không có biện pháp bảo vệ mắt có thể gây những tổn thương vĩnh viễn cho mắt. Những tác hại mà mắt của bạn có thể gặp phải bao gồm:


1. Đục thủy tinh thể


Căn bệnh này làm cho mọi thứ bạn thấy đều mờ đục, và nếu để lâu không chữa trị thì có thể gây mù mắt. Theo thống kê, có 20% ca bệnh đục thủy tinh thể là do tiếp xúc trực tiếp với tia UV.


Đục thủy tinh thể có thể được chữa trị bằng phẫu thuật


Để điều trị bệnh này đòi hỏi phải phẫu thuật rất tốn kém. Mỗi năm, nước Úc tốn khoảng 320 triệu USD để chi trả cho việc chữa trị đục thủy tinh thể.


2. Mộng thịt (Pterygium)


Đây là một khối u kết mạc lành tính mọc ở vùng giác mạc. Kết mạc là một màng trong suốt đè lên trên màng cứng mắt (phần màu trắng của mắt). Tuy lành tính, nhưng sự hiện diện của khối u này có thể gây ngứa, đỏ mắt và gây viêm.


Khối u này phát triển chậm chạp theo năm tháng và có thể cản trở tầm nhìn khi chúng mọc lên trên con ngươi. Trong một số trường hợp, chúng có thể gây ra chứng loạn thị.


Để chữa trị một khối u dạng nhẹ, bạn có thể nhỏ mắt bằng một dung dịch đặc biệt tên là "nước mắt nhân tạo". Còn nếu khối u đã ảnh hưởng đến tầm nhìn, bạn cần phải phẫu thuật để lấy nó ra.


3. Thoái hóa điểm vàng


Những tia sáng có bước sóng ngắn và những tia sáng màu xanh (có trong ánh Mặt trời chói chang) có thể gây tổn thương cho vùng võng mạc, và cả bệnh thoái hóa điểm vàng.


Đây là một căn bệnh ảnh hưởng đến phần trung tâm của võng mạc (điểm vàng) – nơi chịu trách nhiệm cho việc thu nhận hình ảnh. Thoái hóa điểm vàng có thể khiến tầm nhìn của bạn bị suy yếu.


Khi mắc phải bệnh này, bạn cần phải được tiêm thuốc trực tiếp vào mắt nhằm mục đích giảm sự tiến triển của bệnh. 


Điều đáng buồn là bệnh này không chữa khỏi được, bạn không thể đảo ngược những tổn thương ở mắt khi bệnh đã diễn biến.

x


4. Và thậm chí là ung thư


Và tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua được ung thư. Dù tình trạng này không phổ biến, nhưng tiếp xúc lâu dài với tia UV làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh ung thư ở mắt.


Ung thư cũng nằm trong danh sách


Và bạn biết ung thư đáng sợ thế nào rồi đấy. Người bệnh có thể phải cắt bỏ toàn bộ mắt mà chưa chắc đã chữa lành bệnh được đâu.

Nhận xét